Năm 1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc và chỉ sau đó 01 năm, Người đã viết tác phẩm “Lịch sử nước ta”. Bài thơ ca ngợi những trang sử vẻ vang của dân tộc từ thời Hồng Bàng dựng nước đến năm 1942 – khi tác phẩm ra đời. Mục đích của bài thơ này chính là khơi gợi trong nhân dân lòng yêu nước, thương nòi; giáo dục về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc để dựng nước và giữ nước và sự cần thiết phải đứng lên làm cách mạng để cứu tổ quốc khỏi kiếp nô lệ không lối thoát!
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam!
Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung cho đến thời đại Hồ Chí Minh, đó là một pho lịch sử bằng vàng ròng! Thế nhưng, cách truyền đạt kiến thức lịch sử; khơi gợi tình yêu Tổ quốc cho các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua những câu chuyện về lịch sử, về quá khứ hào hùng của tổ tiên lại chưa tương xứng.
Sách giáo khoa về lịch sử vẫn còn rất sơ sài, các tiết học về lịch sử vẫn rất ít so với các môn khác; thậm chí, người ta còn đòi tích hợp môn lịch sử với các môn học khác. Truyền đạt rất khô cứng, giáo điều và máy móc! Tư duy, nhận thức của những người đứng đầu ngành giáo dục như thế; bảo sao mà học sinh lớp 12 lại phán: Quang Trung là anh của Nguyễn Huệ hay Nguyễn Huệ với Nguyễn Du là một người…
Có lẽ các vị đó đã không tìm ra được hướng truyền đạt thuyết phục hay không tạo được một “sân chơi” hấp dẫn để thu hút người Việt đến với lịch sử nước nhà một cách tự nhiên nhất. Điều này những nước quanh ta như Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm được, làm tốt không chỉ với dân chúng nước họ mà khiến cho người dân các nước xung quanh cũng phải rành và ngưỡng mộ lịch sử của họ. Nói đâu xa, chính người Việt Nam ta cũng thuộc lòng lịch sử Trung Quốc nhưng nhiều người mù tịt về lịch sử nước ta.
Thật đáng tiếc cho chúng ta khi người dân không thiết tha tìm hiểu lịch sử nước nhà mặc dù lịch sử Việt Nam cũng hào hùng và độc đáo không thua kém nước nào; thậm chí chúng ta ăn đứt người Trung Quốc vì lịch sử của họ đa số là các cuộc nội chiến chứ đánh giặc giữ nước thì họ “đánh toàn thua”. Thế nhưng khi lên phim ảnh thì hoàn toàn khác, chúng ta xem mà lòng thấy tự hào thay cho lòng yêu nước của nhân dân bạn. Cho dù lịch sử dân tộc họ không phải chỉ toàn màu hồng!
Người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản làm phim về lịch sử dân tộc họ rất thành công, nhiều chi tiết được thần thánh hóa nhưng người xem từ trong đến ngoài nước đều rất thích thú, hào hứng đón nhận; họ làm được, tại sao chúng ta lại không? Trông người mà ngẫm đến ta, nghĩ rất buồn cho điện ảnh nước nhà và cả những người làm công tác định hướng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng và mặt trận giáo dục của nước nhà.
Con người có Tổ, có Tông
Như cây có cội, như sông có nguồn!
Xem nhẹ lịch sử chính là cái họa để cho “văn hóa lai căng” xâm nhập, dần dần làm mất hết bản sắc văn hóa của dân tộc. Chúng ta nợ tiền nhân cách truyền đạt, giáo dục cho muôn đời sau về lịch sử dân tộc hiệu quả.
Lão chăn bò DVK-MNQ